Tác phẩm Trương_Như_Tảng

Sau khi lưu vong Trương Như Tảng viết hồi ký nguyên văn bằng Tiếng Pháp là Mémoire d'un Vietcong, bản dịch Tiếng Anh là A Vietcong Memoir, tiếng Việt là "Hồi Ký của một Việt Cộng", viết chung với David Chanoff và Đoàn văn Toại. Theo Robert Manning chủ bút nhà xuất bản Boston thì cuốn sách này viết về cái chết của một ước mơ, ước mơ tới một nước Việt Nam độc lập, hòa bình và dân chủ.[9]

Theo Daniel Burstein, phóng viên The Christian Science Monitor (một tạp chí Công giáo) và từng làm việc cho một tạp chí Mácxít, ngày 28 tháng 8 năm 1980, thì Trương Như Tảng có cho rằng ở Việt Nam không có chế độ chuyên chính vô sản, mà chỉ có chế độ gia đình trị. Theo trang tin này thì vào ngày 15 tháng Năm năm 1975, ông Trương Như Tảng chứng kiến trên lễ đài trong buổi duyệt binh không thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, mà chỉ có cờ Bắc Việt Nam, và ông hỏi tướng Văn Tiến Dũng thì được trả lời "Quân đội đã được thống nhất"[10]. Chi tiết này sau cũng được nhắc lại trong cuốn Hồi ký. Tuy nhiên trong buổi lễ đó, các tư liệu để lại cho thấy thực tế cắm cờ Mặt trận khắp xung quanh lễ đài và đường phố, nhưng lễ duyệt binh có sử dụng cờ đỏ sao vàng và quân kỳ Quyết thắng QĐND bên cạnh cờ Mặt trận và quân kỳ Quyết thắng Quân giải phóng. Ông Trương Như Tảng đứng ở hàng sau, cách khá xa ông Văn Tiến Dũng. Bài báo này năm 1980 cũng nói Trương Như Tảng phàn nàn về nạn đói ở Việt Nam, sự bất đồng ban lãnh đạo Đảng ở Việt Nam đường lối thân Liên Xô và thân Trung Quốc. Ông cũng có ý định thành lập một mặt trận chung của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào chống lại giới lãnh đạo Hà Nội và những người ủng hộ Liên Xô. Năm 1980 là lần đầu tiên ông Tảng ra mắt báo giới kể từ khi vượt biên, và sau đó ông có sang Trung Quốc gặp Hoàng Văn Hoan.